Xây dựng Profile doanh nghiệp trở nên rất quan trọng, Profile doanh nghiệp đủ tốt phải trả lời được câu hỏi: Viết cho ai? Viết cái gì? Như thế nào?
Profile doanh nghiệp giống như CV xin việc của mỗi cá nhân. Profile giúp công ty bán sản phẩm, dịch vụ và là trợ thủ đắc lực cho đội ngũ kinh doanh.
Để thiết kế profile doanh nghiệp các bạn có thể thực hiện theo 5 bước sau đây
Bước 1: Xác định đối tượng mục tiêu Profile doanh nghiệp nhắm tới
Đối tượng mục tiêu Profile thỏa mãn tốt nhất phải được xác định rõ ràng đó chính là khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp (targeted customers).
Theo quy luật Pareto thì đây là nhóm 20% mang đến 80% doanh thu cho doanh nghiệp.
Để xác định mục tiêu đúng, doanh nghiệp cần trả lời hai câu hỏi sau:
Đối tượng mục tiêu là ai: Tuổi tác, trình độ học thức, cấp bậc / địa vị xã hội, quan điểm đại diện (truyền thống hay hiện đại, pha trộn)?
Tại sao họ cần xem profile của doanh nghiệp?
Việc này sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra định hướng chính xác và đề ra các hạng mục và lồng ghép văn phong thích hợp trong cuốn profile.
Bước 2: Xác định nội dung Profile doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần chọn lọc thông tin, sắp xếp nội dung hợp lý tránh để cuốn Profile có quá nhiều thông tin. Điều này không gây được thiện cảm tốt với khách hàng.
Kịch bản nội dung và nội dung được đưa vào quyết định lớn đến thành công của Profile công ty. Nội dung sản phẩm là phần quan trọng nhất trong profile doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần và bạn cố gắng chọn lọc thông tin khách hàng dễ nhìn dễ tiếp cận.
Profile (Hồ sơ doanh nghiệp) là để cho khách hàng, đổi tác hiểu thêm về cội nguồn của bạn và tư tưởng, cốt cách của doanh nghiệp.
Các nội dung chính trong Profile:
Mục lục: Giúp khách hàng hiểu, nắm bắt được cấu trúc nội dung của Profile mà họ cầm trên tay, nhanh chóng tra cứu đến nội dung mà họ quan tâm nhất.
Tên doanh nghiệp: Tên đầy đủ bằng tiếng Anh, tiếng Việt hoặc cả hai, trụ sở chính, chi nhánh/ văn phòng đại diện, nhà máy sản xuất, điện thoại, fax, email chăm sóc khách hàng, thời gian thành lập. Phần này nên xuất hiện càng nhiều càng tốt, ở mọi header/footer trong mọi trang profile, để khách hàng dễ dàng liên lạc khi cần.
Thư ngỏ: Thư ngỏ của Tổng giám đốc/ Chủ tịch
Quá trình phát triển: điểm qua những mốc thời gian quan trọng, những sự kiện lớn như: chi nhánh thứ “n” khai trương/ khánh thành, kỷ niệm 500 năm thành lập, nâng cấp công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất mới, tốc độ tăng trưởng thị phần/công suất/lợi nhuận, …
Thành tựu: các giải thưởng, huân chương, chứng nhận tiêu chuẩn, chất lượng, …
Tầm nhìn: mục tiêu tương lai và dài hạn của doanh nghiệp.
Sứ mệnh: sự cam kết của doanh nghiệp đối với cộng đồng, với xã hội, những giá trị mà doanh nghiệp mang đến, góp phần tạo dựng tương lai sáng lạn cho nhân loại. Tuyệt đối ở mục sứ mệnh này, không được nhầm lẫn cho vào những câu từ “thương mại”. Vì nếu doanh nghiệp chỉ neo vào “tiền” thì không thể bền vững, phải là điều gì mang tính nhân văn, đạo đức và có giá trị mãi mãi.
Giá trị cốt lõi: đây là mục quan trọng để doanh nghiệp thể hiện điểm khác biệt của mình so với đối thủ. Phần này hãy khai thác nhiều hơn từ CEO hay Founder, tìm hiểu triết lý sống còn và trường tồn của doanh nghiệp. Giá trị cốt lõi sẽ bao gồm cả điểm mạnh và nguyên tắc sản xuất kinh doanh, giúp khách hàng phân loại cân nhắc sử dụng, đầu tư.
Cơ cấu tổ chức: đặc biệt quan trọng cần khi profile nhắm đến các nhà đầu tư/ đối tác lớn. Điều này giúp nhà đầu tư nhận định mô hình hoạt động, quản lý của doanh nghiệp có phù hợp với họ hay không.
Sản phẩm: Nếu doanh nghiệp có nhiều sản phẩm hãy phân loại thành các nhóm. Việc này giúp khách hàng dễ dàng trong việc tìm kiếm, tối ưu sản phẩm.
Quy trình làm việc/ hợp tác: phần này quan trọng đối với profile của doanh nghiệp dịch vụ, nhất là mảng tư vấn. Khách hàng sẽ nắm được các bước tiếp theo sau khi ký kết hợp đồng để tránh việc lộn xộn trong giao dịch.
Khách hàng/ Dự án tiêu biểu: cho khách hàng biết doanh nghiệp đã làm việc với những đơn vị tiêu biểu nào, đa dạng ngành nghề, lĩnh vực nào. Tạo niềm tin bền vững với khách hàng.
Xu hướng mới hiện nay, nhiều doanh nghiệp với tư duy mới sẽ lược bớt những phần ít tác dụng như tầm nhìn, sứ mệnh hay thậm chí quá trình phát triển, cơ cấu tổ chức (hoặc ít nhất là tối giản chúng)
Quan điểm của họ là những thông tin cơ bản đó đã có sẵn và vô cùng đầy đủ trên website, có đưa vào profile, khách hàng cũng chẳng mấy quan tâm mà còn làm “dài dòng văn tự”.
Vì thế, các doanh nghiệp có thể cân nhắc xu hướng hướng này, nếu thích là phong cách hiện đại và muốn tập trung vào phần cốt lõi nhất.
Bước 3: Xác định văn phong của Profile
Doanh nghiệp cần quyết định sắp xếp nội dung đã lên một cách hợp lý nhất, dẫn dắt văn phong phù hợp với vị thế của doanh nghiệp.
Bước 4: Viết phần kết thúc của Profile
Lựa chọn cách kết thúc mở cho cuốn Profile để được nhận nhiều hơn: Đôi khi là một câu nói của khách hàng, đôi khi là một cuộc hẹn gặp mặt, và đôi khi là thêm cả 1 hợp đồng.
Khi khách hàng xem xong Profile, hãy kêu gọi khách hàng hành động, bày tỏ rằng mong muốn hợp tác, cùng khách hàng vượt qua khó khăn, đưa ra giải pháp cho vấn đề khách hàng đang gặp khó khăn.
Có rất nhiều cách để viết ra kết thúc Profile tạo điểm nhấn: một câu hỏi mở, một khẳng định rắn chắc, một lời tiên tri về thành công nếu có cơ hội hợp tác,…
Bước 5: Trình bày cơ bản của Profile doanh nghiệp
Xây dựng hình hài cho cuốn Profile doanh nghiệp bằng các thiết kế ấn tượng, độc đáo thể hiện được tinh thần chuyên nghiệp.
Ngoài việc tuân thủ theo nhận diện thương hiệu (brand guidline), các designer phải tìm chọn hình ảnh phù hợp, quyết định font chữ, màu sắc, kích thước. Thiết kế đẹp sẽ chuyển các nội dung khô khan thành nội dung thích ứng thị giác.
Còn nếu chưa có brand guidline để biết xác định phong cách thiết kế, cách dàn trang, gam màu chủ đạo thì hãy tập hợp lại tất cả các tài liệu bán hàng của công ty, tìm điểm chung của chúng và cố gắng đừng để cuốn profile bị lạc loài khi ở cùng một chỗ.