Theo báo cáo GFK (2023) thu nhập trung bình của Thế hệ Z dự kiến sẽ tăng 400% trong 10 năm tới, tương ứng với sức chi tiêu sẽ vượt quá 33 nghìn tỷ USD. Tới năm 2030 nhóm đối tượng này sẽ nắm giữ hơn 25% thu nhập toàn cầu và vượt qua sức mua của thế hệ Millennials vào năm 2031. Bời vậy Gen Z đang là nhóm khách hàng tiềm năng mà mọi công ty cần cần theo đuổi.
Cùng Khởi Nghiệp Media điểm qua một số đặc điểm chi tiêu của thế hệ Gen Z nhé
Thế hệ | Độ Tuổi | Chi tiêu trung bình năm |
The Silent Generation | 1928-1945 | $44,683 |
Baby Boomers | 1946-1964 | $62,203 |
Gen X | 1965-1980 | $83,357 |
Gen Y – Millennial | 1981-1996 | $69,061 |
Gen Z | 1997-2012 | $41,636 |
1. Sự biến động chi tiêu theo độ tuổi
Một khảo sát của Numerator đã chỉ ra rằng, Gen Z đã có sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu chi tiêu của bản thân, từ việc chi tiêu một cách tùy ý sang xu hướng tập trung hơn vào những mặt hàng thiết yếu.
Từ 18 tới 21 tuổi việc chi tiêu của Gen Z khá thoải mái theo kiểu tùy ý thích gì mua đó. Lúc này thu nhập của Gen Z chủ yếu phụ thuộc vào ba mẹ.
Từ 21 tới 23 tuổi khi Gen Z bắt đầu đã có thu nhập và có những cân đối hơn về chi tiêu khiến nhu cầu tiết kiệm tăng cao. Trong đó phải kể đến một số xu hướng như: Mua các sản phẩm giá thành hợp lý hơn (53%), Nấu ăn tại nhà thay cho việc ăn ngoài hoặc order (52%), giảm bớt các tiện ích sống (33%), giảm bớt chi tiêu cho hoạt động giải trí (30%),…
Xu hướng này có thể thấy được qua những chủ đề hot trên tiktok hay youtube như tiết kiệm, tips nấu ăn tại nhà, du lịch giá rẻ,…
2. Ưa chuộng mua hàng trên sàn thương mại điện tử
Theo nghiên cứu của Jungle Scout được thực hiện vào năm 2023, xu hướng sử dụng thương mại điện tử của Gen Z đã có sự thay đổi rõ rệt trong thời gian gần đây. Trong đó phải kể đến sự ảnh hưởng của xu hướng Shoppertainment trên TikTok, cùng với đó làn sóng tái sử dụng các sản phẩm Secondhand. Cụ thể:
43% Gen Z bắt đầu tìm kiếm sản phẩm online trên TikTok, cao hơn rất nhiều so với Google.
32% người trưởng thành thuộc Thế hệ Z vẫn mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi ngày, bất chấp giá cả leo thang do lạm phát. Trong khi đó, Millennials chỉ có khoảng 25%, Gen X 15% và Baby Boomers là 7%.
Gen Z có xu hướng mua đồ cũ online nhiều nhất với 42% người tham gia khảo sát đã mua đồ cũ trực tuyến trong năm qua.
3. Những giá trị nhân văn được ưu tiên trong quyết định mua hàng
Bảo vệ môi trường & biến đổi khí hậu
Theo nghiên cứu từ McKinsey, Gen Z là một thế hệ đã có nhận thức rõ rệt hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, vì vậy họ rất coi trọng sự bền vững trong quá trình mua sắm sản phẩm, dịch vụ.
Thế hệ này ưu tiên lựa chọn những thương hiệu có sứ mệnh và ý thức trách nhiệm rõ ràng với xã hội. Trong đó, 73% Gen Z tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên mua hàng từ các thương hiệu mà họ thấy được đạo đức kinh doanh. Ngoài ra, 90% Gen Z tin rằng các công ty cần có trách nhiệm giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội.
4. Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Sức khỏe tinh thần đang là một trong những vấn đề hàng đầu của Gen Z khi họ đang dần phải đối mặt với nhiều áp lực từ môi trường sống và công việc. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có tới 53% Gen Z cho biết họ mong muốn nhận được những chăm sóc và hỗ trợ về sức khỏe tinh thần từ các thương hiệu. Nghiên cứu của YPulse cũng đã cho thấy, có tới 71% Gen Z thích việc các thương hiệu lựa chọn sức khỏe tinh thần trở thành một phần của chiến dịch tiếp thị.
Khai thác insight này, nhiều thương hiệu đã thành công chinh phục thế hệ Z với những thông điệp truyền cảm hứng và sự tự tin. Điển hình như Dove với Freethepit, Rare Beauty với “Your Words Matter”,…Bên cạnh đó, các chủ đề về bình đẳng giới, chống phân biệt chủng tộc,… cũng là những yếu tố đang nhận được sự quan tâm của đông đảo Gen Z.
5. Social Media ảnh hưởng lớn tới quyết định mua hàng của GenZ
Theo một báo cáo về Gen Z từ GWI, 30% Gen Z coi những nội dung mà những người dùng khác sáng tạo trên mạng xã hội là nguồn cảm hứng mua hàng chính, cao hơn 11% so với các thế hệ khác. Theo ICSC, Mạng xã hội đang dần vượt qua các công cụ tìm kiếm như Google, trở thành một kênh thông tin được ưa chuộng bởi Gen khi nghiên cứu sản phẩm, khám phá các thương hiệu mới. Có thể thấy được điều này qua sự bùng nổ của làn sóng review trên các trang mạng xã hội như TikTok, Youtube,… trong thời gian qua đã tác động rất lớn tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng nói chung và Gen Z nói riêng.
Trong đó, Instagram và TikTok là hai kênh mạng xã hội có ảnh hưởng nhiều nhất tới quyết định mua sắm của Gen Z, khi có tới 45% Gen Z tham gia khảo sát cho rằng 2 nền tảng này có ảnh hưởng tới hành vi mua hàng của họ.
Ngoài ra, các kênh mạng xã hội khác cũng có tác động đáng kể tới quá trình mua hàng của Gen Z như:
YouTube (38%)
Facebook (24%)
Snapchat (17%)
Twitter (14%)
Reddit (7%)
6. Gen Z dần quan tâm nhiều hơn vấn đề chi phí trong mua sắm
Người tiêu dùng Gen Z dần quan tâm nhiều hơn đến chi phí của sản phẩm dịch vụ và ưa chuộng các chương trình giảm giá. Trong đó, các cửa hàng giảm giá hay các điểm bán hàng khuyến mãi trở thành địa điểm mua hàng yêu thích của 48% Gen Z.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở Gen Z là họ luôn sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho những trải nghiệm thực sự đáp ứng được mong đợi của họ. Ví dụ như về vấn đề giao hàng hỏa tốc, gần 50% Gen Z tham gia khảo sát của ICSC cho biết họ sẵn sàng trả phí cao hơn để đơn hàng online được giao nhanh hơn.
7. Đề cao sự thuận tiện trong quá trình mua sắm
Sự thuận tiện là ưu tiên hàng đầu của Gen Z trong quá trình mua sắm. Cụ thể, trong khảo sát ICSC:
46% Gen Z đánh giá việc thanh toán nhanh chóng và dễ dàng là yếu tố quan trọng nhất trong trải nghiệm mua sắm của họ.
45% Gen Z quan tâm tới tốc độ vận chuyển nhanh
31% Gen Z mong muốn được trả hàng miễn phí và 27% mong muốn dịch vụ khách hàng trở nên nhanh chóng, hữu ích hơn.
Bên cạnh những xu hướng chính như trên, GenZ ngày nay cũng cho thấy họ dần quan trọng tới quyền “sử dụng” hơn là quyền “sở hữu”. Có thể thấy được điều này qua sự phát triển của các dịch vụ thuê. Nhiều Gen Z ưa chuộng các dịch vụ thuê xe ô tô hay thuê quần áo sáng trọng,….